ĂN GÌ ĂN GÌ

Cháo Se
Publish date 31/10/2023 | 15:37  | Lượt xem: 96

Món ăn truyền thống làng Hạ Mỗ

“Cháo se Vạn Xuân”

“ Hạ Mỗ là miền đất rất cổ” có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời. Hạ Mỗ xưa là đất Ô Diên, tục gọi Kẻ Ó  có thành Ô Diên đã đi vào lịch sử dân tộc với tư cách là kinh đô nhà nước Vạn Xuân dưới triều Hậu Lý Nam Đế ở thế kỷ thứ 6. Khi xưa còn là bờ non bãi nổi, sông nước mênh mông trên ngã ba sông Hồng, sông Nhuệ và sông Đáy (còn gọi là sông Hát). Cửa Hàm Rồng ngày ấy là đầu mối chuyển nước sông Hồng vào sông Nhuệ tấp nập trên bến dưới thuyền.

Nơi đây, tại bãi Trường Sa (bãi cát dài), năm 40 đầu Công Nguyên, Hai Bà Trưng đã hội quân, lập đàn tế thiên địa trước lúc xuất quân đánh giặc Đông Hán. Đường hành quân cũng từ đây, thuyền xuôi dòng sông Hồng, sông Nhuệ. Sau này, nhân dân Gối Thượng tổ chức Hội hát chèo tàu để diễn lại sự kiện này.

Đến giữa thế kỷ 6, năm 557, Lý Phật Tử được Triệu Việt Vương chia địa giới  về thành Ô Diên đóng bản doanh. Sau khi đã dứt ngôi vua Triệu, thâu tóm toàn đất nước thì Ô Diên trở thành quốc đô. Một thời gian sau, Hậu Nam Đế Lý Phật Tử dời đô về Cổ Loa thì Ô Diên vẫn tiếp tục được coi là vị trí có tầm chiến lược quan trọng.

Theo truyền thuyết của làng Hạ Mỗ: Trong một lần hành binh chiến đấu ở vùng Phả Lại, sau quay về phủ Thượng Hồng, Lý Phật Tử đã lấy làng Liễn Nương là người con gai tài sắc của dòng họ Đoạn ở xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng làm cung phi thứ 2.

Một hôm, cung phi mơ thấy mình bay lên trời, vào trong cung vua đúng hầu Đức Ngọc Hoàng đưa cho một dải binh phù. Từ đấy mang thai, sau 12 tháng sinh ra một người con trai có thể diện đường đường đặt tên là Lang Công. Lang Công sinh ngày 12 tháng giêng. Lớn lên Lang Công là người quảng bác, tài trí hơn đời lại tinh thông võ nghệ, nên được Lý Phật Tử cho mở phủ đệ ở bên ngoài thành Ô Diên.

Năm 20 tuổi, bà mẹ về thăm quê ở Hải Dương và mất tại đó. Nhà vua giao cho Hoàng Lang trông nom bảo vệ kinh thành và chỉ huy quân đội. Thời gian này, Hoàng Lang thiết lập cung doanh tại làng Hạ Mỗ. Mến mộ tài năng đức độ của chàng, hơn 500 người dân Hạ Mỗ đã xin được làm gia thần thủ túc để được cùng với Hoàng Lang lên đường chiến đấu…

Trong những lần đánh trận, chiến thắng trở về, Hoàng Lang mở tiệc khao quân. Quân lương tổ chức mổ lợn khao quân sĩ, phần thịt lợn được dành cho tướng lĩnh, phần xương được ninh thành nước canh cho quân lính dùng cùng cơm. Một lần Hoàng Lang đi thăm các quân lính, thấy quân lính ăn ở kham khổ, ngài liền lệnh cho thủ túc của mình chế biến món khác từ xương lợn và các thực phẩm có sẵn để khao quân.

Thủ túc của ngài đã dùng gạo tẻ, gạo tẻ đem đi ngâm với nước lạnh khoảng 12 giờ đồng hồ để gạo được mềm hơn. Khi đã đủ thời gian sẽ vớt gạo ra rồi xay thành bột nước, khi xay gạo thành nước là lọc qua một túi vải dày để thu được thành phẩm là một mẻ bột dẻo, mềm nhuyễn và trắng phau. Nguyên liệu chính là bột đã xong, bước tiếp theo là chuẩn bị nước dùng. Nồi nước dùng có thể lấy từ bất kỳ phần xương lợn nào rồi ninh kỹ trong nhiều giờ liền, khi nếm thử nước dùng ngọt thanh mà không bị ngấy. Tiếp theo lấy một phần nhỏ nước dùng nhào nặn cùng bột gạo cho mềm cục bột, tạo độ dẻo. Khi đã có cục bột dẻo, người làm sẽ cho từng phần bột nhỏ vào lòng bàn tay và xoe lại thành các sợi nhỏ bằng đầu đũa rồi thả vào nồi nước đang sôi. Bột khá nhiều và nước sôi khá nhanh nên công đoạn này cần có sự giúp sức của hai đến ba người cùng nhau. Những sợi bột đều tăm tắp cứ lần lượt được thả vào mà không bị vón cục hay dính vào nhau. Khi thoảng thì cần dùng đũa khuấy nhẹ nồi nước để những sợi bột được chín đều. Sợi bột  dài như những con chạch quấn quyện sen vào những miếng xương lợn được chặt miếng nhỏ, phần thịt còn dính ở xương lợn được ninh nhừ bung ra thành những sợi nhỏ theo thớ như hoa văn trang điểm cho món ăn, sau đó hòa bột thành nước cho thêm vào nồi tạo độ sánh cho món ăn trông rất ngon miệng.

Khi thủ túc tấu trình món ăn khao quân, đích thân Hoàng Lang đã ăn thử và khen rằng: Sợi bột gạo tẻ dẻo, trong lõi sừn sựt, dịu hòa cùng vị ngọt thơm của thịt, vị béo vừa đủ của nước ninh xương, tất cả quện vào nhau tạo thành một món ăn độc đáo, hấp dẫn ngon miệng.

Từ đó món cháo se được ra đời, Hoàng Lang lệnh cho quân lương mỗi dịp khao quân phải có món cháo se và phân phát cho cả tướng lĩnh vào quân lính không phân biệt trên dưới cùng thưởng thức món cháo se, và món cháo se đã trở thành món ăn chính của Hoàng Lang.

Sau một lần hành quân chiến đấu, thắng lợi trở về Ô Diên thành sở, trong bữa tiệc mừng ngày 12 tháng 8, đó là năm Tân Mão – 571, Hoàng Lang hoá trong đám mây đen tại cung doanh ở làng Hạ Mỗ. Từ đó, nhân dân địa phương lập đền thờ theo lệnh của Hậu Nam đế Lý Phật Tử, các triều vua đều ban sắc phong tặng.

Và cũng từ đó, hàng năm nhân dân Hạ Mỗ tổ chức lễ hội truyền thống của làng vào ngày 12 tháng giêng, ngày sinh của thành hoàng và lễ tưởng niệm ngày mất của thành hoàng vào ngày 12 tháng 8. Để tưởng nhớ đến một thời oanh liệt của vùng đất từng là kinh đô của nước Vạn Xuân. Trong lễ hội truyền thống của  từ xa xưa, làng Hạ Mỗ đã tổ chức nhiều trò chơi dân gian: Đánh cờ người, hát chèo, đánh đu, chọi gà, vật dân tộc, thả chim bồ câu... nhưng đặc sắc và thu hút người sem hơn cả vẫn là trò đua thuyền bắt vịt, nấu cơm thi. Trò đua thuyền bắt vịt, nấu cơm thi miêu tả lại Người Hạ Mỗ vốn là gia thần thủ túc của hoàng tử Lý Bát Lang, đã từng đi theo ông đánh giặc và bảo vệ thành Ô Diên. Công việc hậu cần (nấu cơm) cũng tham gia chiến đấu (bắt vịt tượng trưng cho bắt giặc). Đặc biệt nhất trong lễ hội truyền thống là mâm cỗ dâng Thành hoàng làng không thể thiếu món “Cháo se khao quân” mà sau này Nhân dân đổi tên thành cháo se Vạn Xuân.

Đến này người dân Hạ Mỗ vẫn giữ truyền thống nấu cháo se phổ biến ở các dịp tập trung ăn liên hoan như: hội hè, việc xóm, việc làng. Nồi cháo se còn được nấu trong bữa tổng kết sau mỗi công việc như việc hiếu, việc hỷ của từng gia đình. Nồi cháo se đã trở thành một tục lệ gắn kết mọi người trong từng gia đình cũng như tập thể xóm làng.

Người Hạ Mỗ dù đi đâu cũng không quên được những hương vị hoàn hảo của một bát cháo se đúng điệu. Trong tiết trời se lạnh, được quây quần bên bếp lửa, thưởng thức bát cháo se nóng hổi cùng tâm sự những câu chuyện đời thường thật ấm áp làm sao. Bao đời người Hạ Mỗ yêu quý, trân trọng, gìn giữ món ăn mộc mạc và nay đời sống ngày càng phát triển, ngoài kia có bao nhiêu sơn hào hải vị, những món ăn thơm ngon đắt tiền cũng không thể nào thay thế bát cháo chứa chan hương vị quê nhà. Những du khách đến với Hạ Mỗ đều được cảm nhận hồn quê, tình cảm mến khách của Người dân Hạ Mỗ qua hương vị của món cháo se Vạn Xuân./.