Tin tức - sự kiện Tin tức - sự kiện

Bưởi sinh học Hạ Mỗ cho trái ngọt
Publish date 25/12/2023 | 15:46  | Lượt xem: 193

Cây bưởi Diễn đã gắn bó lâu năm với người dân xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng), cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay, nông dân Hạ Mỗ tập trung phát triển cây bưởi theo hướng sản xuất an toàn, xây dựng thương hiệu, để tạo sức cạnh tranh trên thị trường.

 

Bưởi sinh học ở Hạ Mỗ cho giá trị kinh tế cao. 

Cây “vàng” cho quả ngọt

Theo ông Nguyễn Khắc Kỳ (ở cụm 1, xã Hạ Mỗ) với diện tích 3.000m2, trồng 140 cây bưởi Diễn, mỗi năm, cho thu hoạch trên 1 vạn quả và nhờ trồng theo hướng an toàn, bưởi cho chất lượng cao, vụ Tết vừa qua, trong khi các loại bưởi Diễn ở một số nơi giá rẻ, khó bán nhưng vườn bưởi của gia đình ông Kỳ vẫn bán 30.000 đồng/quả. “Để phát triển vườn bưởi bền vững, tôi chỉ sử dụng sản phẩm sinh học thảo dược chăm sóc cây trồng, tạo sản phẩm an toàn; với sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, vườn bưởi đang được các chuỗi cửa hàng tiện ích tham quan, thu mua tiêu thụ sản phẩm”, ông Nguyễn Khắc Kỳ cho biết thêm.

Còn theo ông Đỗ Văn Thủy ở xã Thượng Mỗ - một trong những chủ vườn có 100 gốc bưởi tôm vàng 20 năm tuổi. Năm nay, vườn bưởi được mùa, cho thu hoạch khoảng hơn 5.000 quả, ước tính đạt hàng trăm triệu đồng. Để có những vụ bưởi bội thu và chất lượng quả ngon hảo hạng thì kinh nghiệm và kỹ thuật là hai yếu tố quan trọng nhất.

Đánh giá về cây bưởi tôm vàng cho giá trị kinh tế cao trên địa bàn xã, Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ Bùi Tất Thêm cho biết, toàn xã có hơn 150ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó, 45ha trồng bưởi, giá trị đạt khoảng 250-300 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Để phát triển sản phẩm nông sản an toàn, trong đó chủ lực là cây bưởi Diễn, Hội Nông dân xã Hạ Mỗ duy trì 3 câu lạc bộ phát triển kinh tế và 6 tổ hội nghề nghiệp trồng bưởi nhằm hỗ trợ nhau chăm sóc, liên kết tiêu thụ...

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hạ Mỗ Nguyễn Thị Thu, nhờ trồng theo phương pháp sinh học, cây bưởi phát triển tốt, chất lượng, mẫu mã quả đẹp hơn, nâng cao giá trị sản xuất. Hiện nay, vùng bưởi an toàn sinh học của xã Hạ Mỗ đã được dán nhãn QRcode truy xuất nguồn gốc để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội...

Bưởi tôm vàng là đặc sản và niềm tự hào của người dân Hạ Mỗ nói riêng và huyện Đan Phượng nói chung. Năm 2012, bưởi tôm vàng Đan Phượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể với tên gọi “Bưởi tôm vàng Đan Phượng”. Đây là cơ hội để các hộ nhỏ lẻ tập hợp thành tổ chức có quyền lợi chung nhằm phát huy sức mạnh tập thể trong cơ chế thị trường.

Gắn với phát triển du lịch nông nghiệp

Theo Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ Bùi Thất Thêm, đối với xã Hạ Mỗ - nơi đã được công nhận điểm du lịch văn hóa tâm linh của huyện Đan Phượng thì việc phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với hoạt động văn hóa truyền thống đang là định hướng của xã Hạ Mỗ và huyện Đan Phượng. Do đó, xã tiếp tục hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, bảo vệ, giữ gìn thương hiệu để nâng cao giá bán ra thị trường. Mặt khác, việc kết nối du lịch còn giúp du khách đến Hạ Mỗ được thưởng thức loại bưởi ngon, an toàn, hiếm có...

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết, với tiến trình lên quận của huyện Đan Phượng, diện tích đất nông nghiệp còn ít, huyện Đan Phượng chủ trương xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ, phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm. Cùng với sản phẩm bưởi Diễn và sản phẩm chủ lực khác, Hội Nông dân huyện Đan Phượng thường xuyên tổ chức hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản cho bà con tại địa phương.

 

Hạ Mỗ hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ trồng bưởi sinh học. 

“Hiện nay, toàn huyện Đan Phượng có gần 300ha diện tích trồng bưởi tôm vàng. Để thống nhất quản lý, quy trình chăm sóc cũng như chất lượng sản phẩm, Hội Nông dân huyện Đan Phượng lựa chọn các vườn bưởi chất lượng tốt để áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, dán nhãn QRcode kết hợp với hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích để tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, Hội cũng tạo điều kiện cho nông dân tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm của thành phố và Hội Nông dân để ngày càng nhiều người biết đến sản phẩm bưởi tôm vàng Đan Phượng”, ông Thiều Văn Son cho biết thêm.

Có thể thấy, bưởi tôm vàng trồng theo hướng sinh học đang cho “trái ngọt” trên địa bàn xã Hạ Mỗ nói riêng và huyện Đan Phượng nói chung. Người dân Hạ Mỗ đang cần mẫn chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ thương hiệu để sản phẩm bưởi tôm vàng có mặt ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, để cây bưởi tiếp tục đơm hoa, kết trái trên vùng đất Hạ Mỗ, các ngành chức năng cần hỗ trợ vùng sản xuất đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ; mở các lớp tập huấn về kiến thức khoa học kỹ thuật; đặc biệt, nông dân Hạ Mỗ cần hỗ trợ nhau, giám sát quá trình sản xuất để bảo vệ thương hiệu loại quả thơm ngon nức tiếng trong vùng.

Theo Nhịp sống Hà Nội